Đang gửi...
Top

Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan sẽ được di dời khỏi khu nội đô

01/07/2021

Về tổng thể, 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700 ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.0000 dân, đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Theo bản quy hoạch, khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12 - 16m), khu vực hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16m. Khu phố cũ được phép xây từ 4 - 6 tầng (16 - 22m), các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5 - 7 tầng (20 - 25m).

Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan sẽ được di dời khỏi khu nội đô

Khoảng 215.000 người và nhiều cơ quan bộ ngành sẽ được di dời khỏi khu nội đô lịch sử

Cấu trúc không gian kiến trúc - cảnh quan trong quy hoạch được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo điểm nhấn, phù hợp quy chế công trình cao tầng được duyệt. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, để bảo đảm tuân thủ định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tổng quy mô dân số tại khu vực Hoàn Kiếm là khu vực khu phố cổ, phố cũ và hồ Gươm và vùng phụ cận cần giảm khoảng trên 215.000 người.

Đối với giải pháp giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử, quan điểm của TP là từ năm 2020-2030 khi Hà Nội đang từng bước triển khai các dự án: Di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực Nội đô; phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh; đồng thời trước bối cảnh tăng dân số tự nhiên và cơ học… Trước mắt cần từng bước thực hiện lộ trình giảm dân trong khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Về lâu dài, khi TP triển khai đồng bộ các dự án trên sẽ dần thu hút dân số dịch chuyển ra; khi đó cần kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt.

Ông Lưu Quang Huy cũng cho biết, ngoài giải pháp di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử khi thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của TP và địa phương, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học. Cụ thể là triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.

Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử cũng đặt ra các giải pháp về không gian ngầm, theo đó không gian xây dựng ngầm đô thị được xác định thực hiện theo quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội và các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng). Riêng đối với khu phố cổ cho phép xây dựng tầng hầm với yêu cầu đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, công nghệ, an toàn, PCCC… khi khai thác sử dụng.