Ghi nhận thực tế, rất nhiều chung cư tại Hà Nội được xây dựng với thiết kế diện tích bãi đỗ xe nhỏ hoặc không có, trong khi nhu cầu mua sắm ôtô của cư dân ngày một cao. Thực trạng này đang tạo ra áp lực cho hạ tầng khu vực xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt đô thị và đời sống người dân.
Dạo một vòng quanh các quận, huyện của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh ôtô đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè, khuôn viên các khu đô thị, lòng đường, đặc biệt là khu vực quanh các chung cư. Tại Khu đô thị Linh Đàm, đa phần các toà nhà cao tầng đều không có hầm để xe ôtô, một số toà nhà có khu vực khu sử dụng cho mục đích để xe ôtô nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Cư dân phải đi tìm chỗ để xe ở các bãi đỗ xe xung quanh, hoặc để xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường khu đô thị này. Chi phí gửi xe mỗi nơi một kiểu.
Sau nhiều năm tích góp, cuối năm 2019 anh Nguyễn Khắc Định (34 tuổi, ở Khu đô thị Linh Đàm) đã mua được một chiếc xe ôtô nhưng lại chật vật tìm nơi gửi xe. Theo anh Định, với số lượng cư dân lên tới gần một nghìn hộ dân nhưng khu vực để xe ôtô có hạn. Đối với những người có xe ôtô sau như anh Định thì gần như không có cơ hội có chỗ để xe ôtô trong toà nhà. Đáng buồn hơn là đi gửi ở bãi đỗ xe khách trong khu vực cũng nhiều bất tiện và chi phí lại còn cao.
Không chỉ ở Khu đô thị Linh Đàm, vấn đề thiếu chỗ để xe ôtô cũng xảy ra nhiều ở khu đô thị địa bàn quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông... Và không chỉ ở các chung cư có giá tầm trung, tình trạng thiếu bãi đỗ xe cũng diễn ra tại khu đô thị đáng sống, điển hình là khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Để có chỗ để xe, không ít gia đình đã bỏ tiền để đăng ký chỗ đỗ xe, nhiều gia đình cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua lại từ người khác. Tuy nhiên, việc mua, bán chủ yếu là thỏa thuận ngầm giữa hai bên, làm nảy sinh nhiều bất cập.
Anh N.V.D (cư dân tòa nhà N03T2 do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long - Taseco) cho biết, dù sống tại “khu đô thị đáng sống” nhưng tại đây đang diễn ra tình trạng thiếu chỗ để xe trầm trọng.
“Cả một tòa nhà với 270 căn hộ nhưng chỉ có 2 tầng hầm với 90 chỗ để xe. Nếu mỗi nhà chỉ có 1 xe thì 90 chỗ này vẫn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu người dân. Ngay thời điểm hiện tại vẫn đang có 80 xe đang chờ để được thuê chỗ ở. Vì có quá ít chỗ để xe nên gia đình tôi phải gửi ở những tòa nhà thuộc chủ đầu tư khác gần đây“ - anh N.V.D nói.
Đồng quan điểm, bà N.P.D cho biết: “Trong khu Ngoại Giao đoàn vẫn có những tòa thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, ví dụ như tòa N03T8. Tòa này có khoảng 180 căn hộ nhưng chỉ có khoảng dưới 40 chỗ để xe. Trong khi đó có những tòa ví dụ N02T2 cư dân phải chi đến hơn 200 triệu đồng để mua được 1 chỗ để xe. Nhiều người do thiếu bãi đỗ xe nên đỗ bừa phứa ra đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan“. Có những người ngang nhiên đỗ ngay tại những vị trí cửa hầm lên xuống, khi bị nhắc nhở góp ý thì họ vùng vằng dọa đánh. Nhiều biện pháp được áp dụng như đặt biển cấm, dán giấy nhắc nhở... nhưng không hiệu quả - bà N.P.D bức xúc.
Không chỉ tại những dự án đã “bán đứt“, một số dự án đang mở bán trên địa bàn Hà Nội cũng diễn ra tình trạng thiếu chỗ đỗ xe. Một nhân viên bán hàng tại dự án Sunshine City (nằm tại Khu đô thị Nam Thăng Long do Sunshine Group làm chủ đầu tư) thậm chí hướng dẫn khách “để xe ở đường nội khu”. “Bên tôi có 3 hầm để xe, với mỗi hộ gia đình mua căn hộ tại đây sẽ có 1 suất. Anh có thể tận dụng đường nội khu để xe nếu có thêm nhu cầu” - người này nói.
Hay như tòa nhà Gemek Tower (trên đường Lê Trọng Tấn, Hoài Đức, Hà Nội) có 4 tòa nhà A1,2 và B1,2 với tổng số gần 1.000 căn hộ nhưng chỉ có một tầng hầm để xe ôtô (hơn 200 chỗ) và một tầng hầm để xe máy. Do cư dân mua xe ôtô ngày càng tăng trong khi tầng hầm của tòa nhà không đáp ứng đủ nên phía đơn vị vận hành phải mở bãi xe ở cạnh chung cư. Dù có mái che và giá cả thấp hơn nhưng nhiều người dân không mặn mà do phải đi bộ một đoạn dài. Thậm chí có nhiều bất tiện khác mỗi khi trời mưa phải đội mưa để ra xe.
Nghìn căn hộ chỉ có 266 chỗ để xe
Còn tại Dự án New Horizon City số 87 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư có hơn 1.200 căn hộ, nhưng mới đây, chủ đầu tư chung cư này lại khẳng định phần diện tích đỗ xe máy theo thiết kế được phê duyệt chỉ có 266 xe. Theo phản ánh của cư dân, tại Hợp đồng mua bán căn hộ New Horizon City quy định rõ, các phần diện tích và thiết bị thuộc sở hữu chung, sử dụng chung của cư dân có bao gồm: Phần diện tích để xe đạp, xe cho người tàn tật, xe máy được bố trí cho khối chung cư. Tuy nhiên, trong cuộc họp và các biên bản làm việc về bàn giao diện tích chung cho ban quản trị, phía chủ đầu tư khẳng định diện tích sử dụng chung tại tầng hầm là diện tích đủ chỗ đỗ 266 xe hai bánh, diện tích để ôtô thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
“Ban quản trị phản đối thông tin trên và yêu cầu chủ đầu tư phải đưa ra cơ sở pháp lý về diện tích chung - riêng. Bởi toàn bộ dự án New Horizon City có hơn 1.200 căn hộ với 5.000 dân, tương đương với 2 tổ dân phố, không thể chỉ bố trí diện tích đủ chỗ để 266 xe hai bánh như chủ đầu tư nói” - đại diện ban quản trị toà nhà bức xúc. Ngoài ra, nhiều cư dân ở đây cũng bức xúc cho rằng, không một quy định nào trong hợp đồng mua bán căn hộ ghi về giới hạn số lượng xe máy trên mỗi căn hộ. Theo một đại diện ban quản trị tòa nhà, vào đầu tháng 11.2020 các cơ quan liên ngành cũng đã họp về vấn đề này nhưng không đưa ra được kết luận gì mới.
Thiếu đến 80% chỗ để xe
Trước tình trạng thiếu trầm trọng chỗ để xe ở các tòa chung cư trên địa bàn phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai - Hà Nội), PV Lao Động đã có những trao đổi với lãnh đạo phường này.
Đại diện UBND phường Hoàng Liệt cho biết, có những trường hợp quy hoạch xây 3 tầng hầm nhưng doanh nghiệp lại đặt lợi nhuận lên trên, chỉ xây một tầng hầm. Hàng nghìn người dân như vậy mà chỉ có một tầng hầm thì không thể nào có chỗ để xe. Nhiều người bắt buộc phải để xe dưới lòng đường vì bãi đỗ xe trên địa bàn phường cũng không đáp ứng được. Trong khi đó nhiều khu đất quy hoạch để thực hiện bãi đỗ xe không được triển khai, nằm đắp chiếu hoang hóa cực kỳ nhiều.
Để giải quyết tình trạng thiếu đến 80% chỗ để xe trên địa bàn, đại diện UBND phường Hoàng Liệt cũng đưa ra những đề xuất một số phường như: Những dự án quy hoạch bãi đỗ xe thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (trên địa bàn phường Hoàng Liệt tập trung nhất là của HUD) phải đẩy nhanh tiến độ để làm, làm thì phải đúng quy hoạch. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền không duyệt điều chỉnh quy hoạch. Mỗi lần điều chỉnh như vậy áp lực lên hạ tầng lại càng lớn. Đối với những nơi đang quá tải, quỹ đất còn lại của phường không đưa thêm dự án, tòa nhà vào nữa
Nguồn: Internet