Thế giới đã làm gì để giải quyết bài toán bãi giữ xe nội ô
Hành động dẹp các bãi giữ xe vỉa hè – một phần trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ - của Quận 1 đã ít nhiều đem lại bộ mặt thông thoáng cho đô thị và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến trái chiều và than phiền về thực trạng thiếu điểm giữ xe, gây bất tiện cho người dân khi lưu thông trong thành phố.
Thực ra, những lời than phiền này xuất hiện ở… hầu hết các khu vực trên thế giới. Tình trạng thiếu bãi giữ xe gần như là tình trạng chung của mọi đô thị, nhất là những đô thị đông dân và hạ tầng chưa phát triển. Suốt một thời gian dài, người ta tìm cách nâng diện tích bãi xe, mở thêm các điểm đỗ, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, trong khi đó nạn kẹt xe trở nên trầm trọng hơn và lãng phí tài nguyên đất đai cũng tăng cao hơn. Từ những năm 1990, các nhà qui hoạch ở những thành phố lớn đã bắt đầu đánh giá lại và tìm các giải pháp tổng thể từ gốc rễ. Điều họ mong muốn giờ đây không phải là một thành phố thuận tiện cho mọi xe cơ giới lưu thông bởi như thế quá khó khả thi, mà là một nội ô có trật tự với các phương tiện giao thông chủ yếu là phương tiện công cộng, xe đạp, và đi bộ.
Nhưng vai trò của các bãi giữ xe cũng được đánh giá lại, và kết luận gần như đảo ngược: cần giảm bãi xe, để đô thị phát triển bền vững! Bởi càng gửi xe thuận tiện, xe cơ giới cá nhân càng hoạt động nhiều trong đô thị gây ra hàng loạt vấn đề đối với môi trường, tài nguyên, hạ tầng đô thị. Vậy là rất nhiều thành phố đã đi đầu trong việc giảm giữ xe trong nội đô. Điều này gần đây cũng đã trở thành xu hướng quản lý đô thị tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Hãy xem các đô thị hàng đầu đã thực hiện những giải pháp gì để gặt hái thành công như hiện nay? Thay vì xây dựng thêm, các thành phố lớn hiện nay chủ trương thu hẹp số lượng bãi giữ xe. Điều này nhằm gây khó khăn cho các tay lái cá nhân trong việc tìm kiếm chỗ gửi xe và từ đó từ bỏ hoạt động lái xe vào nội đô, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
Từ năm 1996, chính quyền thành phố đã quyết định không phát triển thêm một bãi giữ xe lộ thiên nào nữa, đồng thời khống chế diện tích bãi xe tối đa trong từng khu vực, chỉ cho phép phát triển thêm bãi xe ngầm và điều này cũng đồng nghĩa với việc cứ mỗi tòa nhà có tầng hầm gửi xe được xây dựng thì diện tích bãi xe trên mặt đất lại giảm đi tương ứng. Thực hiện sau Zurich nhưng Paris, thủ đô của nước Pháp, còn quyết liệt hơn. Kể từ năm 2003, thành phố này đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các bãi giữ xe lộ thiên trong nội đô, và đến năm 2010 tổng cộng 15,000 chỗ đỗ xe lộ thiên đã bị dẹp bỏ hoặc chuyển xuống tầng ngầm.
Hiện nay khu vực trung tâm của Paris gần như không còn một bãi xe nào trên mặt đất. Hệ thống bãi xe ngầm cũng bị hạn chế tối đa. Không chỉ Paris, Zurich, mà hầu hết các thành phố lớn ở Châu Âu, thậm chí nhiều thành phố ở các Châu lục khác như Sao Paulo, Bắc Kinh, Thiên Tân… cũng đã bỏ qui định về diện tích bãi xe tối thiểu trong các tòa nhà mà thay vào đó là quy định diện tích bãi xe tối đa để hạn chế xe cá nhân trong những khu vực trung tâm thành phố. Trong khi các bãi xe ở trung tâm bị hạn chế và giảm dần diện tích, các thành phố phát triển lại mở rộng xây dựng những bãi xe trung chuyển.
Những bãi xe dạng này thực ra đã xuất hiện từ những năm 1960, nhưng vài thập niên gần đây mới được mở rộng bởi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, và hiện là mô hình chung của hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Nhiều bãi xe trung chuyển đưa ra những giải pháp rất linh hoạt để tạo thuận lợi cho người dân, chẳng hạn như gửi xe theo tháng, hay gói dịch vụ trọn gói gồm giữ xe cá nhân tại đây và vé xe công cộng đi đến chỗ làm, dịch vụ đi xe chung từ bãi xe….
Tăng giá vé, tăng thuế giữ xe, tính giá gửi xe theo giờ thực tế. Đó là hàng loạt các giải pháp đánh vào túi tiền của người dân và đương nhiên, những giải pháp này phát huy hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh việc khan hiếm chỗ gửi xe, phí giữ xe cực đắt đã làm nản lòng phần lớn người dân khi có ý định dùng xe cá nhân tham gia lưu thông trong nội đô.
Biện pháp này hiện được hầu hết các thành phố áp dụng, thậm chí ở cả 2 thành phố lớn nước ta là TP Hồ Chí Minh và Hà nội. Tuy nhiên phí gửi xe cao mới chỉ áp dụng cho ô tô trong các quận trung tâm nên giảm lượng người sử dụng xe hơi đi làm, chứ chưa đánh vào xe máy và các phương tiện khác.
Đặc biệt, những khoản tiền thu được từ thuế và phí dịch vụ cao này sẽ được chính quyền sử dụng để tái đầu tư cho nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, tăng luồng đường cho xe đạp và cây xanh cho người đi bộ. Vì thế ở các thành phố phát triển, không mấy người dân phàn nàn mức thuế, phí giữ xe quá cao này. Mặc dù thiếu chỗ gửi xe, tuy nhiên ở rất nhiều bãi xe ở hầu hết các thành phố, tình trạng dư thừa công suất bãi vẫn xảy ra, đặc biệt trong những giờ đặc trưng như tại các bãi xe gần khu dân cư vào ban ngày hay tại các bãi giữ xe gần khu văn phòng vào ban đêm. Để quản lý bãi xe hiệu quả hơn, nhiều thành phố đã áp dụng công nghệ cao như công nghệ số hóa, công nghệ thông minh kết nối các bãi xe và kết nối với các phương tiện giao thông nhằm điều tiết lưu lượng xe gửi tại bãi.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp các bãi xe hoạt động hiệu quả hơn, những ứng dụng công nghệ còn giúp nhà chức trách điều tiết bãi xe và lượng xe lưu thông vào nội đô tại những thời điểm nhất định. Chẳng hạn, trong giờ cao điểm nhân viên đi làm, số chỗ đậu xe có sẵn sẽ bị điều chỉnh giảm xuống để hạn chế cá nhân gửi xe, từ đó hạn chế sử dụng xe cá nhân vào trung tâm. Đi đầu trong lĩnh vực này chính là Sanfrancisco, thủ phủ công nghệ của Mỹ. Sau khi ứng dụng các giải pháp quản lý bãi xe, kết nối hệ thống xe, thu phí linh hoạt theo giờ và theo thời gian thực gửi, người ta ước tính thời gian tìm bãi gửi xe giảm xuống 43%, đặc biệt lượng xe trống trong bãi giảm 75% so với trước đó. Kết quả tích cực cũng thu được ở rất nhiều thành phố khác, chẳng hạn như Munich (Đức) đã giảm được 14% lượng xe hơi cá nhân trong trung tâm thành phố và tăng 16% lượng người đi bộ, tăng 75% lượng người đi xe đạp. Hay như thủ đô Vienna, công nghệ với các giải pháp linh hoạt đã giúp thủ đô này giảm 25% lượng xe cá nhân lưu thông ở 4 quận trung tâm.
Với điều kiện của Việt nam, rõ ràng hạn chế gửi xe trong trung tâm cũng là một xu hướng tất yếu phải tiến hành. Trong thời gian chờ đợi hạ tầng được cải tạo và hoàn thiện, thiết nghĩ những giải pháp trên cũng có thể được áp dụng linh hoạt để góp phần giảm áp lực cho hạ tầng thành phố cũng như làm đẹp thêm bộ mặt nội đô, giảm kẹt xe, ô nhiễm môi trường đồng thời có thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông thành phố.
Bài viết khác
- Kế hoạch thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường ở TP.HCM
- 10 Bãi Đỗ Xe Khổng Lồ Và Kỳ Lạ Nhất Thế Giới
- Đỗ xe không đúng, chủ Mercedes tiền tỷ "tái mặt" khi đối diện với màn trừng phạt đặc biệt
- Giải bài toán thiếu bãi đỗ xe: Sớm cởi trói trong thực hiện quy hoạch
- Bluezone giúp cuộc sống bình thường trong dịch bệnh
- Xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch: Cần thêm cơ chế đặc thù
- Hà Nội: 215.000 người và nhiều cơ quan sẽ được di dời khỏi khu nội đô
- Nửa triệu m2 đất bãi xe đắp chiếu, quận nói "Hà Nội ra yêu cầu hiện đại quá"
- Quy trình CSGT xử phạt nguội 2021 như thế nào?
- Giải quyết nhu cầu bãi đỗ xe: Tận dụng triệt để hạ tầng
- 10 bãi đỗ xe đáng mơ ước trên thế giới
- Vỉa hè cải tạo khang trang bị biến thành bãi đỗ xe: Thành ủy Hà Nội lên tiếng